4/9/15

Hóa ra bất lúc nào cũng có thể chết là cảm giác như thế này.

-by Nam Phái Tam Thúc


Hôm qua từ Thâm Quyến về Hàng Châu, tài xế xe riêng trên đường là một cựu chiến binh trong chiến tranh Trung Việt. Bố của em họ tôi cũng thế, hồi bé tôi được nghe kể nhiều chuyện lắm, nhưng hồi ấy chắc là vì tâm hồn trẻ thơ nên không quá để ý, hoặc là vì quá nhỏ, không biết giết ngườ là cái cảm giác gì, cho nên không có ấn tượng gì quá mạnh mẽ.

Tôi cực kỳ tò mò về chiến tranh, không phải tôi đầy nhiệt huyết mà thích cái cảm giác tiến lên giữa mưa bom bão đạn. Điều mà tôi tò mò, đó là nỗi sợ hãi khi người ta có thể chết bất kỳ lúc nào.

Nỗi sợ hãi đó có lẽ bắt nguồn từ lời kêu gọi trước khi ra chiến trường. Mới đầu khi ra chiến trường, nhiều người thường cho là mình đặc biệt, ý kiến và nhận xét của mình ít nhiều là quan trọng đối với người xung quanh, có lẽ tất cả đều nghĩ như thế, cho đến lần xung kích đầu tiên, mới nhận ra là không phải. Trình tự trúng đạn của người bên cạnh mình không hề hợp lý như mình tưởng, nếu mình có thể may mắn sống sót, thì điều đó cũng không hề làm tăng thêm cái cảm giác “mình thật đặc biệt” một chút nào. Ngược lại, đó là một cảm giác hết sức dữ dội, cái cảm giác rằng mình không hề đặc biệt, và cho đến lượt xung kích tiếp theo, mình có thể bị trúng đạn, vào bất cứ một giây một khắc nào.

“Không có phương pháp đặc biệt nào để có thể sống sót đâu.” Đây là câu nói khiến tôi có cảm giác mãnh liệt nhất, trong câu chuyện mà ông tài xế xe riêng của bọn tôi kể cho bọn tôi nghe.

Khi ông tài xế lần đầu ra chiến trường, ông ấy là lính mới, xe vận tải quân sự đến nơi, ông ấy nói với Đại đội trưởng: Đại đội trưởng, em là lính mới, các anh lên trước, bọn em còn có thể học tập chút kinh nghiệm, bằng không chúng em lên đấy là đi chịu chết. Đại đội trưởng nói: Cậu không lên thì chỉ có chết, cậu mà lên thì còn có cơ may sống sót. Cậu yên tâm, bất kể thế nào, tôi sẽ đưa các cậu về nhà.

Lúc đó tài xế rất tức giận, nghĩ thầm: Được lắm, lên thì lên, có gì ghê gớm chứ. Hồi ấy, Đại đội trưởng là đồng hương với ông, ông ấy chỉ quen có mình Đại đội trưởng.

Năm ấy ông 19 tuổi, Đại đội trưởng đưa bọn họ ra tiền tuyến, ra đến tiền tuyến chưa được ba phút, đầu và cổ của Đại đội trưởng bị trúng đạn, óc não bắn cả ra ngoài.

Ông nhìn Đại đội trưởng, Đại đội trưởng lúc ấy cũng nhìn ông, giờ mới hiểu được, chiến tranh rốt cuộc là thế nào. Ông nói với Đại đội trưởng: Tên đần độn này, không phải anh nói sẽ đưa chúng tôi về nhà đó sao? Tôi chỉ quen có mình anh, anh không thể chết được. Đại đội trưởng khi ấy không động đậy nữa, không biết đã chết hay chưa, chỉ thấy máu và nước mắt chảy ròng ròng.

Lần đầu tiên tôi biết, người bị trúng đạn vào đầu, vẫn còn có thể khóc.

Tất cả cái chết trong chiến tranh, đối với những kẻ không hiểu nó, thì chỉ là một trạng thái. Đối với người hiểu nó rồi, thì là một thứ hoàn toàn khác.

Tôi đang nghĩ, không biết lúc đó Đại đội trưởng nghĩ gì? Vì sao ông ta lại khóc? Ông ta liệu có đoán trước được, mình sẽ chết trong trạng thái như thế này?

Thời khắc trước khi chết, ông ta còn có thể dự liệu được cái chết của những tân binh, nhưng chỉ trong nháy mắt, tất cả mọi thứ của tương lai đã không còn liên quan gì đến ông nữa.

Về sau, tôi nhận ra, tôi không cần phải tự mình đi trải nghiệm nữa. Bởi vì, câu chuyện tiếp sau đó của ông ấy, đã làm sáng tỏ hết sức đơn giản rồi, một người bất cứ lúc nào cũng có thể chết, vào thời khắc trước khi chết sẽ có cảm giác gì.

Cực kỳ đơn giản.

Nếu câu chuyện không phải do đương sự tự kể ra, mà chỉ là dùng chữ viết để thể hiện, thì khó mà có được cảm giác rung động này. Các bạn có thể tưởng tượng ông ấy nói với tôi như thế này.

“Lúc đó khi mảnh đạn văng vào đầu tôi, tôi nhớ đến cái đầu của Đại đội trưởng, tôi nghĩ xong rồi xong rồi, lần này mình chắc chắn là chết rồi. Hẳn là chết rồi.”

Miêu tả lại giản dị đến thế.

Lần đầu tác chiến, hơn 100 người, trở về có 53 người. Đại đội trưởng được cõng trở về, ra khe suối rửa sạch óc và máu, mãi một tuần sau hậu cần mới đến, Đại đội trưởng được bọc trong tấm chăn, đã thối rữa. Quân y chỉ huy bọn họ, nói: Dịch cái đống thối hoắc này sang bên.

Ông ấy liền chĩa súng vào đầu quân ý: Mày nói thêm câu nữa, tao sẽ bắn chết mày.

Không phải vì có bao thân quen với Đại đội trưởng, chỉ là, con người này đã bị bắn chết ngay trước mặt tôi, kẻ chưa bao giờ trải qua điều này, không có tư cách đứng trước mặt tôi bình luận về thi thể chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường.

Lần thứ hai tác chiến, hơn 100 người, trở về có 42 người. Trung đội trưởng của ông là một tên khốn kiếp, bản thân thì không xông lên, lại còn dùng súng ép các tân binh xông lên, ông tài xế thề rằng, nếu có cơ hội, nhất định phải giết chết hắn. Trong trận chiến này, trung đội trưởng được ba huân chương hạng 3, hai huân chương hạng 2. Ông cảm thấy rất không công bằng, bởi vì cả trung đội chỉ còn lại ba người. Toàn bộ công lao đều bị gã trung đội trưởng đã ép buộc bọn họ này cướp sạch.

Trung đội trưởng này về sau đổi nơi đóng quân, sau về Hàng Châu, đã lên phó tiểu đoàn trưởng rồi, thăng cấp rất nhanh, tàu vận tải quân sự bắt đầu chạy, tiếng vang rất to, trên tàu, vị phó tiểu đoàn trưởng này bị bắn chết trong toa lét.

“Không phải tôi giết, nếu là tôi giết, tôi sẽ nhận, tôi đã giết hơn 20 người Việt Nam, giết lão ta, tôi không thấy sợ. Có lẽ là đồng hương của tôi giết, bởi vì bọn tôi đều lượm súng về đem giấu.”

“Trước khi ra chiến trường thì rất sợ, đến khi thực sự bắt đầu đánh nhau, người Trung Quốc tàn nhẫn hơn bất cứ ai khác.” Ông ấy nhìn tôi: “Thực sự không phải tôi giết.” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét