2/9/15

[Lão Cửu Môn] Nhị Nguyệt Hồng - Cứu chuộc

Nhị Nguyệt Hồng: Cứu chuộc.




Xếp vào hàng Nhị gia, gọi là Nhị Nguyệt Hồng, là một vai đào hát tuồng, trong một gánh hát kịch Hoa Cổ ở Trường Sa, coi như là có tiếng tăm.

Địa bàn của Nhị Nguyệt Hồng là kiểu địa bàn điển hình của dân trộm mộ trong xã hội cũ. Ngoài mặt là một ông chủ gánh hát, mang theo gánh hát vào nam ra bắc, kỳ thực, ban ngày diễn tuồng, ban đêm đi trộm mộ, đồ nghề đều giấu hết trong các rương quần áo, mỗi người trong gánh hát đều có võ công căn bản, mỗi lần xuống đấu cũng là kỳ cảnh. Ông nội tôi nói, ông từng được mở mang tầm mắt một lần, đám người ấy đổ một cái đấu con, căn bản không cần chạm đến đáy mộ, chỉ dùng một cây gậy trúc bám vào tường mộ mà đi, động tác mượt mà như nước chảy mây trôi, công phu ấy không biết làm sao mà luyện thành.

Nhị Nguyệt Hồng không chỉ có giọng hát tuyệt đẹp, thân mang tuyệt kỹ, hơn nữa, nghe đâu còn là một mỹ nam tử, chuyện phong lưu phong nhã vô hạn, có quan hệ mập mờ với rất nhiều người đẹp nổi danh, thích đắm mình trong kỹ viện.

Nhưng sự việc khiến ông nổi danh nhất, lại không liên quan gì đến trộm mộ. Đó là câu chuyện chuộc thân cho một “cô bé” hồi ông còn trẻ.

Thời ấy bán kỹ nữ, quy củ suốt một dải Dương Châu, đó là bọn buôn người sẽ cõng khuê nữ trên lưng, đi một vòng ở giữa phố chợ sầm uất, đây là chiêu cáo thiên hạ, rằng đứa nha đầu này phải bị bán vào đây rồi. Nếu có ai muốn bênh vực thì hãy đứng vào trong cái vòng này, muốn chặn thì phải lấy bạc ra, bọn này cũng sẽ không đẩy người vào hố lửa. Nhưng một khi đã tiến vào kỹ viện rồi, vậy xin lỗi, đây không còn là điều mà anh có thể định đoạt được nữa.

Ngoài ra, đây cũng là để thông báo cho những nhà quan lại quyền quý, đêm nay lại có hoàng hoa khuê nữ có thể khai bao, hãy chuẩn bị nhiều bạc vào đặng còn bẻ chiếc cành vàng này đi!

Hồi ấy, Nhị Nguyệt Hồng hẵng chưa phải chủ gánh hát. Gánh hát kiểu này đều là cha truyền con nối, cha vẫn còn đó, thì ông mới chỉ là một cậu chủ trẻ.

Một ngày, cậu đang ngồi trên lầu vui vẻ ăn điểm tâm, chợt thấy một cô bé mười mấy tuổi đầu đang bị cõng đi diễu phố. Biết nhân tình thế thái, loại chuyện này thấy nhưng cũng không thể trách. Vào những năm ấy, con gái nhà nghèo khổ thường bị bán vào kỹ viện, thành thực mà nói thì đó chưa chắc đã là chuyện xấu, dù sao đi nữa thì chí ít cũng có thể được bữa cơm no, gặp được ân khách tốt bụng. Chứ lưu lạc ở bên ngoài, bị người lăng nhục chà đạp ấy là chuyện thường.

Thế nhưng khi vừa nhìn thấy cô bé kia, Nhị Nguyệt Hồng liền sửng sốt: ấy thế mà lại quen! Đó là con gái chủ tiệm mì thường ghé qua, kém mình năm tuổi, từ nhỏ mình đã như một người anh trai mà trông cô bé dần lớn lên, cực kỳ ngoan ngoãn khôn khéo. Thế nào mà đã lưu lạc đến bước đường này rồi?

Trông tiểu cô nương ở trên lưng kẻ buôn người, khóc đến lê hoa đái vũ, Nhị Nguyệt Hồng không khỏi thổn thức.

Cô nương kia vô cùng xinh xắn, người vây xem khắp bốn phía cực kỳ nhiều, rất nhanh, có lẽ những kẻ này đều sẽ trở thành ân khách một đêm của nàng. Nàng vừa khóc nấc lên vừa đưa mắt nhìn vào trong đám người, nỗ lực tìm kiếm giữa đủ loại sắc mặt một tia đồng tình và thương hại nào đó.

Ngay một khắc ấy, nàng nhìn thấy Nhị Nguyệt Hồng trên lầu quán trà, thoáng cái đã nhận ra, như nhìn thấy được hy vọng duy nhất, bèn dùng hết sức kêu một tiếng: “Anh ơi!”

Ánh mắt tràn ngập tuyệt vọng và cầu xin, khiến Nhị Nguyệt Hồng run lên một chút, chợt nhớ lại cô bé nhỏ nhắn nắm lấy bàn tay bé bé, lẽo đẽo đi theo sau mông mình năm xưa.

Phải chăng mình cứ khoanh tay đứng nhìn, để một phần ký ức bị chôn vùi đi như thế?

Người thời ấy, phần lớn đều luyện thành một bụng lòng dạ sắt đá, làm vậy thì cũng chẳng sao. Nhưng chung quy, người là loài động vật có tình cảm, mà nhất là người đa tình như Nhị Nguyệt Hồng, thì lại càng dễ thường bởi một ánh mắt mà làm rất nhiều chuyện.

Ngay lúc ấy cậu chỉ biết, mình không cứu nàng không được.

Có điều, cha cậu chắc chắn không đồng ý chuyện này, trên người cậu cũng chẳng thể nào đủ tiền chuộc thân cho nàng.

Nhị Nguyệt Hồng ngày ấy, tuổi trẻ khí thịnh, lập tức chụp lấy chiếc mũ, cùng đồng bạn thi triển tuyệt kỹ, từ trên đỉnh quán trà trượt theo bờ tường xuống như một con thằn lằn, chặn ngay trước mặt tên buôn người.

Tên buôn người đó kinh ngạc một hồi, đã lâu lắm rồi chưa có kẻ nào dám tới chặn đường y. Đương nhiên y chẳng mong mình đụng phải chuyện này, bởi vì, nếu thu tiền chặn đường, để tỏ ra một chữ “nghĩa”, ắt tiền thu được thấp hơn hai lần so với thu từ kỹ viện, bèn không khỏi thầm chửi thật xúi quẩy. Mới sáng sớm, đâu ra cái thằng tai ương đến chắn đường tài lộ cơ chứ? Thế nhưng, khi vừa thấy thân thủ mấy vị gia này, cái thanh thế khi nhảy xuống kia, y liền biết, những người này không xơi được. Vì vậy, y đành phải cười xuề xòa xã giao.

Nhị Nguyệt Hồng cũng biết, đây cũng là một nghề trong ngoại bát hàng, vả lại nhất định cũng có sâu xa với nhà mình. Ngoại bát hàng với nhau, đây đó đôi bên không thể gây ra xung đột, bằng không, chỉ sợ sẽ nháo to với toàn bộ người trong Lão Cửu Môn mất. Bởi vậy, cũng không dám trực tiếp cho qua chuyện với tay buôn người này.

Hai bên vừa nói liền lời qua tiếng lại, tên buôn người ra một cái giá trên trời, ý rằng nhà mi hãy cút đi! Đứa con gái này, mày cứu không được.

Nhị Nguyệt Hồng không còn lựa chọn nào khác, cậu chẳng thể mượn tiền cha được, cũng không thể cứng rắn chặn người được, phải cứu đứa nha đầu này, lại chỉ có nước trả cái giá tiền này. Nhưng mà, chắc chắn tiền lại trả không nổi.

Tên buôn người nói: “Đứa con gái này là món hàng của má mì Bình Nhị, vị gia này nếu không trả được số tiền này ra, như vậy xin hãy tránh đường cho. Nếu thực muốn đối tốt với nó, vậy đêm nay không ngại mời châm chiếc đèn ấy, đêm đầu nhẹ nhàng một chút, chính là phúc khí của nó rồi.”

Nhị Nguyệt Hồng đã vô cớ nổi giận, liền nói với y: “Tiền ta có! Ta cũng muốn khuyên nhà ngươi một câu, món tiền này là tiền bất nghĩa, một món phú quý lớn đến thế, người cứ nghĩ xem có gánh vác nổi hay không. Nếu nghĩ mình chịu được, vậy ta mang tới cho ngươi, có điều, vẫn nhắc một câu kia, coi chừng phú quý thiêu thân.”

Tên buôn người vốn không tin có người sẽ trả một món tiền lớn đến vậy chỉ để mua lại một đứa nha đầu, bèn ưng thuận. Y lại diễu một vòng quanh phố chợ sầm uất này, Nhị Nguyệt Hồng trong khoảng thời gian đó phải chuẩn bị được đủ món tiền.

Nhị Nguyệt Hồng để lại tên hầu trông coi tay buôn người, còn mình thì vội vã chạy về nhà, mặc vào người toàn thân trang bị, sải bước lên ngựa phóng vội về phía ngoại thành phía tây. Ngựa phi nước đại quay về, nhiều thêm một thân đất bùn cùng ba chiếc trâm cài.

Đứa nha đầu này về sau thành phu nhân Nhị Nguyệt Hồng, sinh được ba người con, đến năm 32 tuổi chết bệnh. Vài chục năm hạnh phúc ngắn ngủi, nàng vẫn luôn ở trong vòng tay che chở thương yêu của trượng phu, không phải chịu một chút khổ sở nào.

Sau đấy, Nhị Nguyệt Hồng mới trở nên phóng đãng trụy lạc.


Nhị Nguyệt Hồng cả đời không lấy thêm vợ, sống đến năm 102 tuổi, sau hợp táng cùng thê tử. Quan tài của ông cao hơn của thê tử một đoạn, bởi vì đứa nha đầu đã chờ ông suốt nhiều năm như thế, cuối cùng có thể lại một lần nữa tựa vào bờ vai ông, nghe ông uyển chuyển cất tiếng hí khang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét